8 điều cần làm ngay khi xe ô tô bị ngập nước
Xe tải Jac - Ô tô bị ngập trong nước có thể bị phá hủy nhiều chi tiết trên xe, đặc biệt là động cơ, hệ thống điện và nội thất; thông thường nước ngập qua nửa bánh xe là lúc có thể gây hại xe. Trong trường hợp này, tài xế cần thực hiện kịp thời các bước dưới đây để tránh xe bị hỏng hóc.
1. Làm khô nội thất
Nếu nước lọt vào nội thất, khả năng phá hủy sẽ rất nhanh. Vì vậy, sau khi đưa xe thoát khỏi nơi ngập nước, hãy mở hết tất cả các cửa để nước thoát ra ngoài. Dùng các dụng cụ có thể, kể cả khăn thấm hết số nước đọng còn lại. Sau đó dùng quạt, máy sấy để làm khô nội thất cơ bản trước khi cứu hộ tới đưa về garage.
2. Làm sạch sàn xe
Phần đỡ chắn dưới cùng của sàn xe được làm bằng kim loại và xử lý bằng các vật liệu cách âm nên rất kín. Khi nước theo lối cửa tràn vào và lọt xuống, tạo thành những ngăn chứa nước lớn mà nước không thể tự thoát ra ngoài. Ống dẫn khí điều hòa bị bẩn, thậm chí có thể tắc khi nước bẩn tràn vào.
Sau khi đã hút sạch nước ra, dùng máy sấy khô toàn bộ. Các bu-lông hay vít ngấm nước mưa có thể bị han rỉ nhanh chóng, nên việc quan trọng khi vệ sinh sàn xe là dùng dầu chống rỉ sét và mỡ tra vào.
3. Kiểm tra hệ thống phanh
Sau khi đi mưa hay qua các vùng ngập nước, phanh là chi tiết dễ bị hư hỏng bởi trực tiếp tiếp xúc và bị bùn, nước xâm nhập.
Nếu không làm sạch và bảo dưỡng hệ thống chi tiết này, xe dễ dẫn tới hiện tượng phanh tay bị kẹt cứng hay phanh nhả chậm vì khớp di động của yên phanh bị han, gỉ; nếu để lâu dễ dẫn đến hỏng hóc, gây nguy hiểm khi xe đang vận hành trên đường.
4. Hệ thống dây cu-roa và gầm xe
Dây cu-roa ở xe ô tô thường được đặt ở trị trí khá thấp trong khoang động cơ nên khi bùn, đất, nước bám vào sẽ có hiện tượng trượt đai. Nếu đai trượt nhiều sẽ dẫn đến tình trạng không đủ sức kéo máy nén cho hệ thống điều hòa, trợ lực lái và máy phát điện.
Theo kinh nghiệm, người dùng có thể tự kiểm tra hệ thống dây cu-roa bằng mắt thường sau khi đã tắt động cơ. Nếu phát hiện dây bị dính bùn, đất hãy sử dụng khăn lau sạch dây đai và bánh đai.
5. Kiểm tra dầu máy và lọc gió
Mở nắp ca-pô và quan sát, nếu thấy có nhiều nước đọng ở lọc gió, động cơ hay bình chứa dầu, nguy cơ hiện hữu là xe bạn đã bị nước lọt vào động cơ. Với người bình thường không biết về kỹ thuật, cách tốt nhất là để thợ kỹ thuật kiểm tra và sửa chữa.
6. Kiểm tra hệ thống điện
Nếu xe có thể khởi động được, kiểm tra tất cả các bộ phận dùng điện như đèn pha, đèn xi-nhan, điều hòa, âm thanh, khóa cửa, chỉnh điện cửa sổ, mở cốp điện, chỉnh ghế, gương thậm chí đèn nội thất. Nếu có bất cứ chi tiết nào không hoạt động trơn tru đều là dấu hiệu nước khiến hệ thống điện chập chờn.
7. Kiểm tra lốp, la-zăng
Trước khi di chuyển, kiểm tra kỹ lốp, la-zăng, phanh xem có các mảnh vụn rác, bùn đất, kim loại, thủy tinh hay không. Bùn đất lọt vào đĩa phanh làm giảm hiệu quả phanh và hư hại khi đi thời gian dài. Tốt nhất nên rửa xe thật kỹ vùng này.
8. Quét lỗi hệ thống điều khiển
Trên nhiều dòng xe, bộ bệ trung tâm là khu vực chứa rất nhiều hệ thống điều khiển phức tạp như hộp số, hệ thống điều khiển đa năng thông minh, đàm thoại… Nước lọt vào có thể làm tê liệt hoạt động của hệ thống này
Việc bảo dưỡng các chi tiết của hệ thống điện không chỉ đơn giản là hút sạch nước và sấy khô, còn phải xem xét tình trạng hoạt động, khả năng xảy ra các rủi ro khi đường dây bị chập, hở hay ăn mòn tại các tiếp điểm... thao tác không thể thiếu với các dòng xe cao cấp là set-up lại hệ thống bằng máy quét lỗi.
Những điều cần làm sau khi xe bị ngập mưa
Lời khuyên của chuyên gia, đừng nên tìm cách tự sửa nếu bạn không có chuyên môn kỹ thuật; nên tháo càng sớm càng tốt dây nối với bình ắc quy, gọi cứu hộ, thông báo rõ loại xe và tình trạng bị ngập để được tư vấn cách không bị thiệt hại thêm cũng như các việc cần thiết nếu xe bạn có mua bảo hiểm.
Xe tải Jac
Theo Báo Nghệ An
Bài viết khác: